Vàng da là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sinh non (trước 37 tuần thai) xảy ra khi bilirubin (chất gây vàng da) tích tụ trong máu. Gan có chức năng xử lý bilirubin được tạo ra từ quá trình phân hủy tế bào hồng cầu, nhưng gan của trẻ sinh non chưa phát triển đầy đủ, không thể chuyển hóa toàn bộ chất này.
BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khoảng 60% trẻ đủ tháng và 80% trẻ sinh non bị vàng da trong tuần đầu tiên sau sinh. Dấu hiệu phổ biến bao gồm da, kết mạc mắt chuyển vàng. Bệnh có thể ở mức độ nhẹ (vàng da sinh lý) hoặc tiến triển nặng (vàng da bệnh lý). Trẻ sinh non bị nhiễm trùng máu, suy hô hấp, tím tái, bất đồng nhóm máu mẹ và con... có khả năng làm tăng nặng tình trạng này. Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng tổn thương não từ nhẹ đến nặng.
Nồng độ bilirubin cao có thể ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ lâu dài như chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn tăng động giảm chú ý, vấn đề về học tập, nhận thức. Bilirubin cũng có nguy cơ làm tổn thương tế bào thần kinh trong tai, gây suy giảm thính lực hoặc điếc. Một số trường hợp gặp khó khăn khi phối hợp cử động, kiểm soát cơ bắp.
Vàng da nhân (Kernicterus)là biến chứng nghiêm trọng, xảy ra khi quá nhiều bilirubin dư thừa đi qua lớp mô mỏng ngăn cách não và máu, gây tổn thương não. Các triệu chứng của bệnh tiến triển theo từng giai đoạn. Thời gian đầu, trẻ thường lờ đờ, bú kém, trương lực cơ yếu, phản xạ kém với âm thanh. Ở giai đoạn giữa, trẻ dễ cáu kỉnh, khóc thét, căng cơ. Ở giai đoạn sau, trẻ bỏ bú, gồng người, ưỡn căng lưng, co giật. Nếu bệnh vàng da nhân kéo dài, trẻ có nguy cơ mất thính lực, liệt vận động, bại não, chậm phát triển, tổn thương não vĩnh viễn, hôn mê, tử vong.
Trẻ bị vàng da kéo dài cũng cần được loại trừ bệnh lý ứ mật, nguy cơ tiến triển thành suy gan, xơ gan, hoặc ung thư biểu mô tế bào gan trong một số trường hợp ít gặp. Ứ mật lâu ngày thường dẫn đến chậm phát triển và thiếu hụt vitamin tan trong chất béo.
Phương pháp điều trị bệnh vàng da ở trẻ sinh non phổ biến là liệu pháp ánh sáng (liệu pháp quang học). Bác sĩ sử dụng đèn ánh sáng xanh chiếu vào da của trẻ sơ sinh. Những loại ánh sáng này đạt chuẩn y tế và không gây hại cho trẻ, theo bác sĩ Hạnh. Trẻ được đeo miếng che mắt bảo vệ trong suốt quá trình điều trị.
Trẻ sinh non bị vàng da thường được điều trị bằng liệu pháp ánh sáng. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Khi trẻ có triệu chứng đe dọa nhiễm độc thần kinh do bilirubin trong máu tăng cao, bác sĩ có thể chỉ định thay máu. Nếu trẻ sinh non bị vàng da do bất đồng nhóm máu Rh với mẹ (mẹ có nhóm máu Rh-, con có nhóm máu Rh+), bác sĩ có thể chọn phương pháp điều trị bằng kháng thể.
Vàng da sơ sinh là bệnh không thể ngăn ngừa. Trẻ sinh non thường được theo dõi tình trạng này sau khi chào đời. Nếu trẻ sơ sinh có dấu hiệu da hoặc kết mạc mắt chuyển vàng, cha mẹ cần đưa con đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để bác sĩ chẩn đoán, đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Ngọc Châu
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp